Đăng Ký Học
Ngày 19/08/2020 17:40:53, lượt xem: 2703
[CHUYẾN XE VĂN HỌC ] - Tác phẩm "Sóng" - Xuân Quỳnh
I. MỞ BÀI
Xuân Quỳnh là một nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ Xuân Quỳnh phản chiếu nét tâm hồn của nhà thơ khát khao tình yêu, hạnh phúc bình dị đời thường. Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong những nhà thơ viết thơ tình hay nhất của nền thơ hiện đại Việt Nam. Trong thi đàn Việt Nam, người đọc đã rất thú vị với một phong cách yêu chân quê mộc mạc của nhà thơ Nguyễn Bính; một phong cách nồng nàn, say đắm của thi sĩ Xuân Diệu và không thể không kể đến cách bộc lộ tình yêu đầy cá tính và nữ tính trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Từ những lời tự hát tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Sở dĩ bài thơ đi cùng năm tháng là bởi:
“ Sóng đã thể hiện được một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời”và “Tình yêu mà Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ mang tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay”. 2 ý kiến đặt cạnh nhau, bổ sung cho nhau giúp ta cảm nhận được nét độc đáo của bài thơ cũng như vẻ đẹp của tâm hồn Xuân Quỳnh với sự hòa quyện của tư tưởng truyền thống và hiện đại.
II. THÂN BÀI
1.Giải thích 2 ý kiến và sự thống nhất của 2 ý kiến
Người xưa quan niệm “Thơ là tiếng lòng” Thơ là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Nhà thơ Nguyễn đình Thi đặt câu hỏi khi giãi bày mấy ý nghĩ về thơ: Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người chăng?… bài thơ là sợi dây truyền tình cảm cho người đọc. Thơ là sự thể hiện tâm hồn một cách mãnh liệt nhất. Sóng của Xuân Quỳnh là bài thơ có sức sống bền bỉ theo thời gian bởi bài thơ đã tìm được sự đồng điệu từ trái tim độc giả nhất là tuổi trẻ.
– Ý kiến 1: Ở bài thơ, Xuân Quỳnh đã diễn tả được những cung bậc cảm xúc có tính truyền thống, có tính phổ biến, những quy luật tình cảm muôn đời của con người trong tình yêu
– Ý kiến 2: Sự mới mẻ, hiện đại của cách cảm, trong quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh
– 2 ý kiến bổ sung cho nhau giúp ta nhận ra sự độc đáo của bài thơ cũng như vẻ đẹp của tâm hồn Xuân Quỳnh
2.Cảm nhận bài thơ và bàn luận 2 ý kiến
“Sóng” thể hiện một tình yêu “có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời”:
Mượn hình tượng “sóng” trong tự nhiên, nhà thơ đã diễn tả được những cung bậc cảm xúc phổ biến, những quy luật tình cảm muôn đời của con người trong tình yêu:
+ Đó là những trạng thái cảm xúc đối lập mà thống nhất trong lòng người đang yêu: “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”.
+ Đó là khát vọng vươn tới cái cao cả, lớn lao trong tình yêu: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”
+ Con sóng bất biến trong dòng chảy thời gian cũng như tình yêu luôn là điều khao khát trong trái tim tuổi trẻ.
+ Những bí ẩn về cội nguồn của “sóng” cũng như bí ẩn của tình yêu
+ Tình yêu luôn song hành cùng nỗi nhớ
+ Muốn tình yêu bền vững, con người cần biết vượt qua những thách thức, giới hạn và biết hoà nhập, hiến dâng, hi sinh…
“Sóng” mang “tính chất hiện đại của tình yêu hôm nay”.
– Qua hình tượng “sóng”, ta cảm nhận được tư thế và tâm thế nhân vật trữ tình. Đó là người con gái chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và những rung động rạo rực của lòng mình. Không còn sự thụ động, cam chịu, yên phận của người phụ nữ truyền thống, nhân vật nữ trong bài thơ rất táo bạo chủ động trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc: Nếu “sông không hiểu nổi mình” thì “sóng tìm ra tận bể”. Nghĩa là dứt khoát từ bỏ cái nhỏ bé, tầm thường để tìm đến với cái bao la khoáng đạt đủ sức bao dung và mang chứa. Cũng rất mãnh liệt và hiện đại là lới thú nhận chân thành: tình yêu đã phá vỡ mọi giới hạn không gian, thời gian, chiếm lĩnh trọn vẹn tâm hồn người con gái thậm chí lặn sâu cả vào tiềm thức. Đó còn là một tình yêu được cảm nhận toàn diện với mọi cung bậc cảm xúc có khi đối lập nhưng vẫn thống nhất.
– Khát vọng được dâng hiến hết mình cho tình yêu gắn liền với khát vọng được hưởng một tình yêu đích thực, trường tồn: “Làm sao được tan ra…Để ngàn năm còn vỗ”
3.Bàn luận chung
2 ý kiến tưởng trái chiều nhưng góp phần bổ sung cho nhau để làm nổi bật nét độc đáo của hồn thơ Xuân Quỳnh qua bài thơ “Sóng”. Mang trong mình vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của tình yêu khiến “Sóng” trở nên bất tử trong lòng độc giả bao thế hệ, trở thành lời “tự hát” của biết bao trái tim tha thiết yêu đương.
III. KẾT BÀI
Bài thơ là lời tự hát tình yêu hồn nhiên, chân thành mãnh liệt của người phụ nữ đang yêu: một tình yêu hiện đại mới mẻ nhưng vẫn không tách rời truyền thống
----------------------
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn☘️
Tin liên quan